Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2023

Người dân hãy chung tay cùng ngành y tế phòng chống dịch bệnh. Bởi ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào mỗi gia đình, mỗi địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng. Không ai có thể đảm bảo mình sẽ an toàn khi cộng đồng còn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 
Toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh; Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác
Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ tin cơ sở; Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;
Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh; Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;
Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây lan qua đường tình dục, tiêm vaccine HPV (đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia) dành cho lứa tuổi từ 9-26 tuổi phòng tránh khỏi những căn bệnh liên quan cũng như phòng ung thư cổ tử cung;
Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;
Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;
Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân; giữ ấm cơ thể, thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;
Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;
Thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm...
Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh
Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu,… người dân nên chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đặc biệt các bệnh có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,… cần đảm bảo trẻ em trong gia đình được tiêm đủ các mũi vắc xin này. Đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, thực hiện các biện pháp dự phòng để phòng, chống dịch bệnh.Với tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan và gây dịch trong thời điểm giao mùa và trong kỳ nghỉ lễ, Tết, mùa lễ hội đầu năm sắp tới toàn dân cần chung tay cùng ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh.
          Ngày 27/12 được chọn là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế cho biết, ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh.  Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam đề xuất. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hang năm theo Công văn số 10844/VPCP-QHQT ngày 25/12/2020. Với nội dung truyền thông được tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các quốc gia về việc thường xuyên phòng bệnh dịch. Với quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai và thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 theo quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023, Bộ Y tế tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 nhằm nâng cao ý thức của người dân và tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh và phát động phong trào thi đua phòng, chống dịch bệnh năm 2024. Cụ thể là cần tăng cường năng lực để đối phó kịp thời, đầy đủ và dập tắt nhanh chóng với bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra.
Thông qua Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12, kêu gọi các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể, hội cùng toàn thể nhân dân trêm địa bàn huyện cần đầu tư cho năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu tác động của các tình huống nguy cấp của dịch bệnh có thể xảy ra ở tất cả các cấp độ, đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Luôn đẩy mạnh phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác với các bệnh viện tuyến trung ương, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hợp tác quốc tế trên tinh thần ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, để có thể đảm bảo những đứa trẻ của chúng ta và các thế hệ tiếp theo sẽ được tiếp quản một thế giới an toàn, phục hồi tốt và bền vững.
Tổng hợp và sưu tầm: Linh Trang


Bài viết liên quan

Hợp tác chuyên môn